GIỚI THIỆU SÁCH THÁNG 3 NĂM 2024

Bài giới thiệu sách tháng 03/2024

Chủ đề: Chào mừng kỉ niệm 114 năm ngày quốc tế phụ nữ 8/3

Cuốn sách: Hai bà Trưng (Bộ sách Lịch sử Việt Nam bằng tranh

 

Kính thưa các thầy cô giáo. Các em học sinh thân mến !

Chúng ta đang sống trong không khí của tháng 3 với tinh thần kỷ niệm 114 năm ngày Quốc tế phụ nữ ( 1910 – 2024). Ở nước ta, ngày 8/3 còn là ngày kỷ niệm cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng, hai vị nữ anh hùng dân tộc đầu tiên đã đánh đuổi giặc ngoại xâm phương Bắc, giành lại chủ quyền dân tộc. Niềm tự hào và ý chí vươn lên của phụ  nữ Việt Nam một phần cũng có cội nguồn từ truyền thống dân tộc độc đáo đó.

Bài tuyên truyền sách hôm nay thư viện trường THCS Nhơn Bình xin giới thiệu tới bạn đọc cuốn sách “ Hai Bà Trưng”. Cuốn sách nằm trong Bộ sách Lịch sử Việt Nam bằng tranh. Sách dày 91 trang in trên khổ 19*24cm do nhà xuất bản Trẻ ấn hành tháng 02 năm 2021. Bìa cuốn sách là hình ảnh Hai Bà Trưng oai phong, lẫm liệt cầm cờ, kiếm…cưỡi voi ra trận. Tên sách màu tím được in nổi bật trên nền vàng tạo sự chú ý của bạn đọc.

Các bạn yêu quý! Lịch sử kể rằng, hai chị em Trưng Trắc, Trưng Nhị (Hai Bà Trưng) vốn dòng dõi vua Hùng sinh ra và lớn lên tại vùng đất Mê Linh. Mẹ của Hai Bà Trưng là bà Man Thiện sớm góa bụa song đã nuôi dạy con cái theo tinh thần yêu nước. Chồng Trưng Trắc là Thi Sách, con trai một lạc tướng huyện Thu Diễn bị giặc ngoại xâm giết hại. Trước cảnh nước mất nhà tan, Trưng Trắc cùng Trưng Nhị quyết tâm tiến hành khởi nghĩa trả nợ nước, báo thù nhà.

Mùa xuân năm 40 sau Công nguyên, chị em nhà Trưng Trắc, Trưng Nhị dựng cờ khởi nghĩa và nhận được sự hưởng ứng nhiệt liệt của các Lạc hầu, Lạc tướng, của những người yêu nước ở khắp các thị quận và đông đảo lực lượng là phụ nữ tham gia khởi nghĩa. Dưới sự lãnh đạo tài tình của Hai Bà Trưng, cuộc khởi nghĩa đã giành thắng lợi, đập tan chính quyền đô hộ, buộc tướng quân Tô Định phải cải trang, cắt tóc, cạo râu trốn về nước.

Sau khi cuộc khởi nghĩa thắng lợi, Bà Trưng Trắc được các tướng lĩnh và nhân dân suy tôn làm vua. Bà lên ngôi và lấy niên hiệu là Trưng Nữ Vương; đóng đô ở Mê Linh ( thuộc huyện Mê Linh – tỉnh Vĩnh Phúc ngày nay).

Mùa xuân năm 43 sau công nguyên, nhà Hán lại kéo quân sang xâm lược nước ta. Hai bà lại một lần nữa ra quân, phất cờ khởi nghĩa, bảo vệ đất nước. Tuy nhiên do chênh lệch thế lực với địch quá lớn nên cuộc khởi nghĩa chỉ kéo dài 2 năm. Hai bà đã hy sinh anh dũng để bảo vệ dân tộc.

 Cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng được đánh giá là một bản anh hùng ca bất diệt, thể hiện ý chí độc lập và niềm tự hào dân tộc. Đồng thời, cuộc khởi nghĩa cũng là một minh chứng cho sức mạnh của phụ nữ Việt Nam trong lịch sử nhân loại và trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.mang trong mình biểu tượng người phụ nữ truyền thống, biểu tượng người phụ nữ yêu nước, vẻ đẹp của tinh thần tự chủ, biểu tượng khởi đầu cho phong trào nữ quyền và là tấm gương anh hùng để các em noi theo và học tập.


Phần mềm dành cho TV huyện và trường học1. Hai Bà Trưng/ Trần Bạch Đằng ch.b. ; Lời: Phan An ; Tranh: Nguyễn Trung Tín ; Tô màu: Nguyễn Thuỳ Linh.- Tp. Hồ Chí Minh: Nxb. Trẻ, 2021.- 90tr.: tranh màu; 24cm.- (Lịch sử Việt Nam bằng tranh)
     ISBN: 9786041187405
     Tóm tắt: Cuốn sách Hai bà Trưng là một trong những cuốn truyện trong bộ sách Lịch sử Việt Nam bằng tranh. Cuốn sách kể về 2 bậc anh hùng trong lịch sử nước ta. Phận nữ nhi đề nợ nước, trả thù nhà..
     Chỉ số phân loại: 959.701 NTL.HB 2021
     Số ĐKCB: GD.001018,

 Cuốn sách hiện đang có ở thư viện trường với số đăng ký GD.001018 Chào đón quý thầy cô và các bạn học sinh  đến với thư viện để tìm hiểu kỹ hơn về cuốn sách này. Chúc các thầy cô và các bạn học sinh một tuần học tập nhiều bổ ích và vui vẻ! Chúc một nửa của thế giới có một ngày 8/3 thật hạnh phúc !

                                                                            Nhơn Bình ngày 4 tháng 3 năm 2024

    Xác nhận của BGH nhà trường                                          Cán bộ thư viện

 

 

 

                                                                                              Nguyễn Thị Thúy Kiều